hamburger
Bạn muốn làm đại lý?
Địa chỉ cửa hàng gần nhất
0225.62.65.166 | 0989.946.695

Giải quyết cơ bản thiếu nước sạch cho dân miền núi

Đăng ngày: 15:05 PM 17/11/2015 Lượt xem: 586
Để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho vùng miền núi, 5 năm qua, chính quyền các cấp đã đầu tư nhiều công trình cấp nước tập trung, giếng đào. Nhờ đó đã giải quyết một phần khó khăn, góp phần ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
28. 
Công trình nước sạch ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân - Ảnh: M.DUYÊN​


TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT NƯỚC SẠCH CHO DÂN

5 năm trước, nước sinh hoạt ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) không đủ dùng, bà con phải tới suối vác từng can về dùng hoặc dùng nước giếng không hợp vệ sinh. Hiện nay, xã Ea Lâm đã khác, nhờ được đầu tư công trình nước sạch công suất 500m3/ngày, đêm với hệ thống nước kéo tới từng nhà dân nên đồng bào sinh sống ở cả 5 thôn đều có nước sạch dùng. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm, cho biết: Toàn xã hiện có 510 hộ sử dụng nước sạch, chiếm tỉ lệ 95%. Ea Lâm cũng như bao xã miền núi khác trên địa bàn tỉnh, nhờ được đầu tư các công trình nước sạch nên cuộc sống thay đổi đáng kể.

Ông Phạm Văn Trung, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân, cho biết: Trong 5 năm qua, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn trên địa bàn huyện được xây dựng. Huyện đã đầu tư hơn 6 tỉ đồng để nâng cấp và xây mới 3 công trình nước sinh hoạt tập trung và đào 9 giếng nước, giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt cho 518 hộ dân. Từ nguồn vốn Chương trình 135, 6 giếng nước sinh hoạt được đào mới với kinh phí gần 280 triệu đồng. Một số công trình nước đã tới được những thôn xa nhất ở xã Phú Mỡ. Điển hình là những công trình như hệ thống cấp nước sinh hoạt thôn Phú Giang, thôn Phú Tiến. Mới đây nhất là công trình cấp nước thôn Phú Lợi cung cấp nước ổn định cho 89 hộ dân. Già làng Ma Nghĩa ở thôn Phú Lợi (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân), cho biết: Nước sinh hoạt ở Phú Mỡ thiếu lắm. Được Đảng và Nhà nước đầu tư, giờ bà con đỡ khổ hơn rồi.

Tại huyện Sông Hinh, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015, nhiều hệ thống cấp nước tập trung đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của nhân dân. Theo Phòng Dân tộc huyện, đơn vị này đã đầu tư 26 tỉ đồng nâng cấp 4 công trình cấp nước ở các xã Ea Ly, Ea Bá, Ea Lâm và Sông Hinh, phục vụ cho 2.880 hộ dân. Cụ thể, công trình nước xã Ea Ly, nguồn vốn hơn 5 tỉ đồng với công suất 500m3/ngày đêm, phục vụ cho 850 hộ dân. Công trình nước xã Ea Bá, vốn đầu tư hơn 7 tỉ đồng với công suất 400m3/ngày đêm phục vụ cho 500 hộ dân. Công trình nước xã Ea Lâm, vốn đầu tư 10,5 tỉ đồng với công suất 500m3/ngày đêm, phục vụ cho 530 hộ dân. Công trình cấp nước sinh hoạt xã Sông Hinh, tổng vốn đầu tư 15 tỉ đồng, với công suất 500m3 ngày đêm, phục vụ cho 1.000 hộ dân.
 

29. 
Được đầu tư xây dựng các công trình nước, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Da Dù, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân đã bớt khó khăn - Ảnh: M.DUYÊN​


TIẾP TỤC ĐẦU TƯ

Không chỉ có 3 huyện miền núi, mà các xã miền núi ở các huyện Tuy An, Tây Hòa, Phú Hòa, TX Sông Cầu cũng được đầu tư các công trình nước sinh hoạt. Mới đây nhất, xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) được UBND tỉnh đầu tư 300 triệu đồng cho công trình nước sinh hoạt tại buôn Hố Hầm. Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Hội, cho biết: Buôn Hố Hầm là nơi tập trung đồng bào dân tộc Chăm Hroi và Tày sinh sống. Tại 2 thôn này, Nhà nước đã đầu tư 2 công trình nước tập trung, trong đó một công trình ở thôn Nhất Sơn đã đưa vào sử dụng từ năm 2013, đáp ứng từ 80% đến 90% nhu cầu sử dụng nước của bà con. Còn công trình nước ở buôn Hố Hầm vừa được UBND tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư. Từ nay đến cuối năm, công trình này sẽ hoàn thành, cấp nước sinh hoạt cho 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài công trình nước tập trung, 2 thôn, buôn trên còn được UBND huyện đầu tư 2 giếng đào.

Theo ông Phan Hữu Đại, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, hiện nay, ngoài nguồn vốn của Chương trình 135 và vốn hỗ trợ nước sinh hoạt, còn có các nguồn vốn khác như vốn Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, kinh phí chống hạn tại các địa phương… Tất cả đều nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho bà con vùng miền núi. Từ đó, đồng bào ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh những công trình nước phát huy hiệu quả thì còn có những công trình không đủ nước cung cấp vào mùa khô hạn hoặc do chất lượng nước không đảm bảo. Để khắc phục điều này, hàng năm, ngoài việc xây mới các công trình nước tập trung, đào giếng, Ban Dân tộc tỉnh còn trích kinh phí từ các nguồn vốn trên cho việc tu sửa, nâng cấp các công trình nước đã xuống cấp.